Kể từ cuối năm 2020, chịu tác động của cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu, ngành công nghiệp ô tô thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn, đứt quãng chuỗi cung ứng dẫn đến trì hoãn và giảm thiểu số lượng ô tô mới đưa ra thị trường.
Chip bán dẫn có vai trò thế nào trong ngành công nghiệp ô tô?
Như FPT Semiconductor đã từng chia sẻ, chip bán dẫn có vai trò thiết yếu trong đời sống hiện đại, nó có mặt ở khắp mọi nơi, trong các thiết bị điện tử, gia dụng, thiết bị y tế, phương tiện di chuyển,… Tính riêng ngành ô tô, chip bán dẫn ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên nhiều dòng xe, mỗi dòng xe có thể tích hợp nhiều loại module chứa chip bán dẫn, từ hệ thống điều khiển ECU đến hệ thống hỗ trợ người lái. Trung bình, một chiếc xe ô tô có hàng trăm bộ phận bán dẫn với khoảng 1.400 loại chip khác nhau.
Trên các dòng xe truyền thống dùng động cơ đốt, các nhà sản xuất đã – đang dần chuyển hướng nâng cấp từ chỉnh cơ sang chỉnh điện, tự động hóa, tất cả những thao tác này đều cần sử dụng đến chip bán dẫn. Cụ thể, bộ điều khiển điện tử (ECU) được trang bị ít nhất 4-5 chip cho tất cả các đầu vào, đầu ra của cảm biến, bộ nhớ RAM và ROM. Bộ công cụ (IC) sử dụng từ 2-3 chip bán dẫn để thực hiện thao tác đo qua công nghệ kỹ thuật số. Cụm đồng hồ kỹ thuật số (MFD) sử dụng ít nhất một bộ vi xử lý, kèm theo bộ nhớ RAM, ROM có tích hợp chip bán dẫn. Tương tự, hệ thống âm thanh stereo trên ô tô cũng dùng đến ít nhất một bộ vi xử lý, RAM, ROM và một số chip bán dẫn khác để xử lý các tác vụ như âm thanh, định vị toàn cầu, Bluetooth, wifi, USD, các thiết bị gắn ngoài… Trên các mẫu xe hiện đại, từ xe phổ thông đến nâng cấp hầu như đều sử dụng điều hòa 2 vùng độc lập và chỉnh điện, thay vì chỉnh cơ như trước đây. Để làm được điều này, một tổ hợp gồm 1-2 bộ vi xử lý và các chip hỗ trợ có vai trò xử lý hệ thống làm mát, hệ thống sưởi, tốc độ quạt tự động theo nhiệt độ bên trong xe. Ngay cả các hệ thống an toàn như phanh ABS cũng được trang bị từ 1-2 chip bán dẫn hỗ trợ quá trình phanh xe, kiểm soát khả năng bám đường, độ ổn định của xe khi phanh…
Với các dòng xe sử dụng nhiều chức năng công nghệ cao, công nghệ phức tạp như xe điện hoặc xe hybrid thì số lượng chip bán dẫn cần sử dụng càng lớn hơn nữa, có thể lên đến 3,000 chip.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện chưa có doanh nghiệp nào có thể sản xuất một con chip bán dẫn hoàn chỉnh, bao gồm các giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đóng gói,… Các doanh nghiệp bán dẫn Việt Nam mới chỉ đang khai thác giai đoạn nghiên cứu và thiết kế, do đó đa số chip bán dẫn sử dụng trong sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải nhập khẩu từ các tập đoàn của hàng đầu thế giới như NVIDIA, Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc)…
Sự phụ thuộc nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài kéo theo nhiều hệ lụy khi cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu nổ ra. Ngành công nghiệp ô tô thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất ô tô điện sẽ phải đối mặt với những khủng hoảng mới về khan hiếm linh kiện, trì hoãn sản xuất, giảm thiểu số lượng ô tô mới, biến động giá,… cho đến khi nguồn cung chip bán dẫn ổn định trở lại.
Tác động của cuộc khủng hoảng chip đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Giai đoạn tháng 10/2022 là khoảng thời gian ngành ô tô có nhiều công bố nhất về hậu quả của cuộc khủng hoảng chip bán dẫn nhất, dù đã kéo dài hơn 2 năm mà hệ lụy của nó chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thực tế, tình hình ngành bán dẫn toàn cầu chỉ mới có dấu hiệu phục hồi trở lại từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 gần đây.
Tình trạng thiếu chip bán dẫn khiến hàng loạt thương hiệu ô tô tại Việt Nam phải trì hoãn thời gian giao xe tới vài tháng, không những xe nhập khẩu mà cả xe lắp ráp, thậm chí có hãng xe còn giảm số lượng xe mới đưa ra thị trường. Tình trạng khan hiếm đó còn kéo theo vấn nạn bị đẩy giá, hoặc “bán bia kèm lạc” mà cộng đồng xe thường nói. Một số trường hợp nổi bật có thể kể đến:
- Ô tô điện VF e34 trì hoãn số lượng xe bàn giao so với dự kiến. Tại lễ xuất xưởng và bàn giao lô xe ô tô điện VF e34 đầu tiên tại nhà máy VinFast (Hải Phòng) hồi cuối năm 2021, VinFast cho biết dự kiến, trong tháng 1/2022, VinFast sẽ bàn giao hàng ngàn xe VF e34 cho các khách hàng đã đặt cọc trước. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm, chỉ mới có 93 xe ô tô điện VinFast VF e34 được bán ra. VinFast cho biết nguồn cung linh kiện thiếu hụt là lý do ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và bàn giao xe ô tô điện VF e34 cho khách hàng.
- Về phía Hyundai Tucson lại có diễn biến khác. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn ảnh hưởng đến sản lượng xe đưa ra thị trường. Là mẫu xe hot nên sự khan hiếm gây ra biến động về giá và chính sách bán hàng. Trong một thời gian dài, giá của các phiên bản xe Tucson thế hệ mới bị các đại lý đẩy lên cao, chênh lệch gần 100 triệu đồng so với giá niêm yết. Cụ thể mức giá nâng lên dao động từ 35-100 triệu đồng (trên giá gốc của xe là 825 triệu với dòng xe cơ bản và 1,030 tỷ đồng với dòng xe nâng cao), hoặc đại lý sẽ đưa ra chính sách bán xe kèm gói phụ kiện bắt buộc, mà cộng đồng yêu xe thường nói là “bán bia kèm lạc” với những mẫu xe hot.
- Còn đối với các thương hiệu Honda và Toyota Việt Nam, họ có cùng quan điểm cho rằng, việc thiếu chip là vấn đề ảnh hưởng mang tính toàn cầu về cung ứng phụ tùng khiến nhiều nhà sản xuất phải tạm ngừng hoặc giảm lượng xe mới. Tuy nhiên, việc thiếu chip bán dẫn hiện tại chưa có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và lắp ráp xe ô tô của hai hãng này tại Việt Nam, nên nguồn xe ra thị trường vẫn được đảm bảo và giao đúng hẹn, mặc dù với các dòng nhập khẩu nguyên chiếc yêu cầu thời gian chờ đợi dài hơn.
- TGĐ Suzuki Việt Nam chia sẻ, các mẫu xe sản xuất trong nước của liên doanh này gồm có Carry Truck, Blind Van và ô tô nhập khẩu là Swift, XL7, Ertiga và Ciaz có bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguồn cung chip. Tuy nhiên, Suzuki Việt Nam vẫn cố gắng đảm bảo nguồn nguyên liệu thô đáp ứng nhu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường.
Tiềm năng vực dậy của ngành bán dẫn, tín hiệu đáng mừng cho ngành ô tô Việt
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid19, xung đột thương mại Mỹ – Trung, sự bùng nổ các ngành công nghệ cao và xe động cơ điện, dòng chảy chip bán dẫn bị đứt quãng bởi thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, từ nửa cuối 2023 và đầu năm 2024, ngành bán dẫn toàn cầu liên tục nhận được những tín hiệu tăng trưởng đáng mừng. Bức tranh ngành bán dẫn trở nên sôi động hơn bao giờ hết với các ông lớn đầu ngành vươn cánh tay đầu tư đi khắp các vùng đất tiềm năng như Hsinchu (Đài Loan), Arizona (Hoa Kỳ),.. với mức chi phí khủng lên tới hàng tỷ USD.
Không còn “nằm rìa” cuộc chơi, Việt Nam đã – đang được lựa chọn trở thành “xưởng đúc mới” của toàn cầu, với nhiều chính sách thu hút đầu tư, nhiều dự án trọng điểm, nhiều doanh nghiệp FDI đặt cơ sở sản xuất vốn đầu tư hàng chục triệu USD, và chính sách bồi dưỡng nhân tài bán dẫn cũng đang được đẩy lên mức ưu tiên hàng đầu.
Trước tình hình đó, các chuyên gia ngành bán dẫn cũng nhận định, 2024 chính là năm vực dậy của ngành bán dẫn, và toàn ngành kinh tế nói chung. Chúng ta cũng có quyền tin tưởng vào bức tranh ngành ô tô Việt Nam sẽ sôi động trở lại, và tăng trưởng mạnh hơn so với trước thời kỳ khủng hoảng.