Tin Tức

Tin Mới Nhất

Cung cấp các tin tức mới nhất liên quan đến lĩnh vực VLSI và FPT Semiconductor.,JSC

Malaysia: Kẻ chiến thắng đầy bất ngờ phía sau cuộc chiến ngành bán dẫn Mỹ-Trung

22-03-2024

Phía sau xung đột Mỹ – Trung với hàng loạt cấm vận gay gắt, Penang (Malaysia) bỗng nhiên trở thành điểm đến đầu tư của hàng loạt công ty ngành bán dẫn trên khắp thế giới, khi đi tìm phương án dự phòng hạn chế rủi ro kinh doanh do gián đoạn chính trị. Phương án này mang tên “Chiến lược Trung Quốc +1”.

>> Xem thêm tin tức về xung đột Mỹ – Trung TẠI ĐÂY!

Bất ngờ trở thành người thắng cuộc trong cuộc chiến ngành bán dẫn

Mỹ ngày càng mở rộng và thắt chặt các chính sách hạn chế đối với Trung Quốc, đặc biệt trong ngành ngành bán dẫn. Theo đó, để dành được vị trí thống trị, Mỹ tranh thủ sự hỗ trợ từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á tiến hành hạn chế mua, bán các con chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Việc này không tránh khỏi ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán dẫn đang hợp tác với Trung Quốc, bao gồm cả cung ứng và nhập linh kiện từ Trung Quốc. Đó cũng chính là tiền đề để “Chiến lược Trung Quốc +1” ra đời, các doanh nghiệp ngành bán dẫn đi tìm vùng đất mới để đảm bảo duy trì việc giao dịch với Trung Quốc.

semiconductor industry

Theo Marcel Wismer – giám đốc điều hành của Kemikon chia sẻ: “Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn của phương Tây không thể bán thiết bị tiên tiến nhất của họ cho Trung Quốc, nhưng tất cả các nhà sản xuất này đều nhập linh kiện từ các công ty Trung Quốc, và họ nó với các nhà cung cấp của mình (phía Trung Quốc) rằng: “Nếu anh không rời khỏi [Trung Quốc], chúng tôi phải tìm những nhà cung ứng mới”. Vì vậy, các công ty Trung Quốc buộc phải di chuyển hoặc mở rộng sang những nơi như Đông Nam Á để không bị mất việc kinh doanh. Và Penang, Malaysia là nơi được lựa chọn.

ngành bán dẫn

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Penang (Ảnh: FT)

Nhờ chiến lược Trung Quốc +1, hoạt động đầu tư vào Penang, Malaysia đang ngày càng bùng nổ. Bang này đã thu hút 60,1 tỷ RM (12,8 tỷ USD) vốn FDI trong năm 2023, nhiều hơn tổng số vốn mà họ nhận được từ năm 2013 đến năm 2020 cộng lại.

Trong cuộc đua này, không chỉ có các công ty Trung Quốc gấp rút tìm bến đỗ mới, mà còn có các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, và phương Tây. Fengshi Metal Technology – công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở chính tại Tô Châu, Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư sang Malaysia, với chi phí nhân sự cao hơn 30% so với thị trường để chiêu mộ nhân tài.

Fengshi chỉ là một trong số hàng chục “người chơi” ngành bán dẫn đang thiết lập hoặc mở rộng cơ sở tại Penang. Những công ty khác bao gồm gã khổng lồ chip bán dẫn Micron và Intel đến từ Mỹ, các công ty bán dẫn châu Âu như AMS Osram và Infineon.

Theo Invest Penang – một tổ chức phi lợi nhuận của chính quyền bang ước tính, hiện có 55 công ty Trung Quốc ở Penang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là chất bán dẫn. Trước khi Mỹ thắt chặt các chiến dịch hạn chế, con số này chỉ là 16.

Lý do Malaysia là người được lựa chọn

Theo bà Loo Lee Lian, giám đốc điều hành của Invest Penang, kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các chính sách hạn chế thương mại đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump, và đặc biệt là kể từ khi các hạn chế được thắt chặt bởi Tổng thống Joe Biden, Penang bắt đầu nhận thấy làn sóng đầu tư từ các tập đoàn Trung Quốc đại lục giống Fengshi đổ bộ sang Penang rất nhiều.

Malaysia đã có lịch sử 50 năm thực hiện khâu “back end” của chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn, bao gồm: đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Hiện nay, họ tiếp tục nuôi tham vọng tiến lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trị giá hàng tỷ USD, trong đó bao gồm các hoạt động có giá trị cao hơn như chế tạo tấm wafer và thiết kế mạch tích hợp.

ngành bán dẫn

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng, tập trung phát triển ngành bán dẫn và đầu tư lực lượng lao động vào ngành công nghiệp sản xuất có giá trị cao này là một “mục tiêu quan trọng” trong chiến lược phục hồi nền kinh tế Malaysia. Kéo theo đó, hàng loạt chính sách thúc đẩy và thu hút đầu tư FDI là điều chắc chắn chính phủ bang Penang sẽ đưa ra để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu, tạo tiền đề “màu mỡ hơn” cho Penang.

Những rủi ro tiềm ẩn sau chiến thắng của Malaysia

Theo bà Loo Lee Lian cho biết, tổ chức này đã phải “chọn lọc kỹ hơn” những công ty tham gia ngành bán dẫn Malaysia do tình trạng đầu tư ồ ạt kéo theo một số rủi ro tiềm ẩn, bao gồm:

  • Sự thiếu hụt nhân tài trầm trọng và chưa có một “nhà vô địch” ngành bán dẫn trong nước có thể thu hút những đối tác khác. Theo Zafrul, Bộ trưởng Thương mại cho biết, mỗi năm Malaysia chỉ có 5.000 sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp, và nhiều người trong số họ di chuyển tới Singapore để tìm kiếm công việc mức lương cao hơn. Trong khi đó, sự bùng nổ ngành bán dẫn Malaysia lại đòi hỏi 50.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm.
  • Mức thu nhập của kỹ sư tại Malaysia thấp hơn hầu hết các lĩnh vực khác, đặc biệt là đối với sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là một phần lý do khiến các kỹ sư đào tạo xong tại Malaysia sẽ di chuyển đi nơi khác để làm việc. Các chuyên gia ngành bán dẫn cũng nhận định rằng, Malaysia vẫn còn thiếu chuyên môn cần thiết để có thể trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

ngành bán dẫn

Giá bất động sản tăng nhanh tại Penang, theo nghiên cứu của Knight Frank

  • Mất cân bằng trong các vấn đề xã hội: Sự bùng nổ đầu tư ở địa phương gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông và bất động sản. Giá đất công nghiệp tăng từ khoảng 50 RM/foot vuông lên tới 85 RM/foot vuông, tốc độ tăng giá bất động sản nhà ở của Penang trong nửa đầu năm 2023 chỉ đứng sau thành phố đắt đỏ Singapore. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra do đột ngột tăng mật độ dân số và công trình nhà máy, xí nghiệp dựng lên.

Ngoài các vấn đề phát sinh kể trên, các chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra dự báo lo ngại cho tình hình của Malaysia. Bởi nước đóng góp vốn FDI nhiều nhất cho Malaysia là Hoa Kỳ, cũng là thành viên chủ chốt trong cuộc xung đột ngành bán dẫn Mỹ – Trung, có thể siết chặt thêm lệnh trừng phạt với Trung Quốc bất cứ lúc nào; điều đó có thể gây hạn chế lây sang các sản phẩm và thiết bị được sản xuất tại Malaysia trước làn sóng các công ty mới của Trung Quốc.

>> Tìm hiểu thêm tin tức ngành bán dẫn TẠI ĐÂY!