Blog

Tin Mới Nhất

Cung cấp các tin tức mới nhất liên quan đến lĩnh vực VLSI và FPT Semiconductor.,JSC

Nội lực – Nỗ lực: 2 Yếu tố tạo nên sức hút của ngành bán dẫn Việt Nam

21-03-2024

Được biết đến là một đất nước nổi tiếng với các di sản văn hóa phong phú, tài nguyên thiên nhiên màu mỡ, Việt Nam nay còn được nhắc đến bởi tiềm năng nổi trội của ngành công nghiệp bán dẫn.

Khi nhu cầu về công nghệ tiên tiến tiếp tục tăng trưởng toàn cầu, Việt Nam được “nhắm đến” như một vùng đất triển vọng để trở thành xưởng đúc mới của thế giới. Vậy chỉ khai thác lợi thế sẵn có liệu có đủ cho tham vọng bước chân vào đường đua tỷ USD này? Cùng khám phá những yếu tố “nội lực” và “nỗ lực” của Việt Nam trong hành trình nâng cấp mảnh đất tiềm năng cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu này nhé.

Tổng quan: Ngành bán dẫn Việt tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với Thế giới

Được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế toàn cầu trong thời đại công nghệ hiện nay, chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành các thiết bị điện tử, duy trì hoạt động của mọi thứ, từ lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe, Thiết bị gia dụng, Thiết bị điện tử, Phương tiện di chuyển, cho đến IoT,… Bởi vậy, khi tình hình kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau hàng loạt cuộc khủng hoảng và xung đột địa chính trị, ngành bán dẫn đang dần chứng minh sự tăng trưởng trở lại với những con số tích cực.

semiconductor industry

Cùng nhu cầu chip ngày một tăng cao, ngành bán dẫn toàn cầu được dự đoán sẽ:

  • Đạt doanh thu 613,10 tỷ USD vào năm 2024
  • Cán mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
  • Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2027) đạt mức 6,30%
  • Có nhu cầu bổ sung hơn 1 triệu nhân lực chuyên môn cao vào năm 2030

(Theo nghiên cứu của Statista về Thị trường bán dẫn toàn cầu)

Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung đang diễn ra căng thẳng, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất chip, các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào các nước đang phát triển. Trong số đó, Việt Nam được coi là ứng cử viên sáng giá bậc nhất. Cũng theo nghiên cứu của Statista về ngành bán dẫn Việt Nam 2024:

  • Dự kiến đạt doanh thu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2024
  • Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2027) là 9,62%, tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với thế giới
  • Quy mô thị trường được dự đoán “cán mốc” 26,20 tỷ USD vào năm 2027

“Nội lực” – Lợi thế tài nguyên bán dẫn giúp Việt Nam ghi điểm

Theo một báo cáo năm 2023 của Bộ thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang đứng thứ 3 Châu Á (chỉ sau Đài Loan và Malaysia) về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ. Việt Nam cũng nằm trong top đầu về gia tăng xuất khẩu chip đến Mỹ, là một trong sáu quốc gia có mức tăng trưởng dương, trong khi con số lại giảm ở các thị trường như Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines,… Vậy, Việt Nam có những lợi thế gì để có thể đưa tầm vóc quốc gia lên cao hơn trên bản đồ ngành bán dẫn thế giới?

  • Tài nguyên đất hiếm

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với “rừng vàng, biển bạc”, Việt Nam còn là quốc gia đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm, nguyên liệu chiến lược để sản xuất bán dẫn.

semiconductor industry

Đất hiếm đóng vai trò quan trọng chiến lược trong sản xuất bán dẫn, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ/ kỹ thuật mũi nhọn như điện tử, quang học, vật liệu siêu dẫn, quang học,… Những món đồ điện tử thiết yếu, duy trì và nâng cao cuộc sống hàng ngày của chúng ta như laptop, điện thoại, tivi, thậm chí là ô tô điện, pin mặt trời, pin lithium-ion,… tất cả đều được chế tạo từ nguyên liệu đất hiếm.

Sở hữu 22 triệu tấn đất hiếm tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên (theo số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ), hiện Việt Nam nắm giữ đến gần 18.5% trữ lượng đất hiếm thế giới là 120 triệu tấn. Mặc dù đây là một yếu tố lợi thế bán dẫn chiến lược, tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng tài nguyên đất hiếm có thể đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức chính là việc quản lý môi trường và biến đổi khí hậu trong quá trình khai thác, cũng như vấn đề liên quan đến công nghệ và vốn đầu tư.

Nhưng, một khi quản lý được hiệu quả về việc sử dụng trữ lượng tài nguyên, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển. Việc tận dụng tài nguyên đất hiếm trong nước không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các quốc gia khác, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, phát triển hội nhập, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

  • Tài nguyên nguồn nhân lực trẻ

Tài nguyên nguồn nhân lực là một yếu tố quyết định đối với sự phát triển của ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, cũng như là thế giới. Ngoài tài nguyên đất hiếm, Việt Nam cũng đang sở hữu một lợi thế về nguồn lực trẻ và dồi dào, với tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động là 69.3%. Đội ngũ nhân sự trẻ dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao.

semiconductor industry

Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật của kỹ sư bán dẫn Việt Nam cũng được quốc tế đánh giá cao:

  • Kỹ năng cao – Thái độ công việc chuyên nghiệp – Kinh nghiệm thực chiến tuyệt vời, đáp ứng các kỹ thuật chế tạo bán dẫn tiên tiến nhất

Chia sẻ của ThS Nguyễn Phúc Vinh – người có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành bán dẫn, với báo Tuổi Trẻ, khi được hỏi nhận xét về các kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam

  • Xông xáo – Ham học hỏi – Chăm chỉ

Nhận định của ông Robert Li, Phó Chủ tịch Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Á, về đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Ông cũng cho biết Synopsys sẵn lòng tiếp tục phát triển đội ngũ hết tiềm năng

  • Infenion đang hướng tới mở rộng lực lượng nhân sự tại Việt Nam, lên tới hàng trăm kỹ sư chuyên môn.

Chia sẻ của ông Chua Chee Seong, Giám đốc Infineon (Doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn hàng đầu Châu Âu) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với ​​ với Nikkei Asia.

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn vi mạch lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel và Synopsys, tập đoàn Amkor của Hàn Quốc, hay Infineon của Châu Âu. Có thể thấy là cơ hội để Kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam vươn tầm quốc tế, khẳng định tài năng trên “đấu trường” chip bán dẫn toàn cầu.

Để tận dụng được lợi thế tài nguyên này, cần có sự đầu tư đúng đắn vào đào tạo và phát triển kỹ năng, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ chính sách công và sự hợp tác từ phía ngành bán dẫn.

Chính phủ đang tập trung đầu tư và phát triển, lấy bán dẫn làm một trong những lĩnh vực mũi nhọn tiềm năng

Giữa cuộc căng thẳng Mỹ – Trung trong ngành bán dẫn, các “cường quốc” bán dẫn đang triển khai chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nhằm để giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng bán dẫn từ những tác động của “cuộc chiến này”. Xu hướng này đang được dự đoán đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

semiconductor industry

Sở hữu mối quan hệ đối tác hoà hảo với các quốc gia trên thế giới, thời gian gần đây, VN đã thể hiện sức hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ nhiều quốc gia và các “ông lớn” bán dẫn toàn cầu

Dưới đây là một số tuyên bố từ các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bán dẫn:

  • “Chúng tôi muốn hợp tác với các công ty công nghệ thông tin lớn tại Việt Nam, như FPT, để xây dựng một hệ sinh thái cho sản xuất vi mạch.”

– Ông Yoshitaka Kitao, CEO của SBI Holdings, một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản quan tâm đến đổi mới công nghệ.

  • “Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư nước ngoài của Renesas”

Người phát ngôn của Renesas Electronics, một nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Nhật Bản, đang đầu tư vào cơ sở nghiên cứu và phát triển, với hơn 1,500 nhân viên Việt Nam.

  • “Việt Nam là địa điểm hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn và có thể đóng vai trò là đối tác chiến lược cung cấp lao động.”

Ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Vi mạch Mỹ (SIA), thành viên của ông chiếm gần 99% doanh số bán hàng của toàn bộ ngành công nghiệp vi mạch Mỹ.

Hiện các tập đoàn bán dẫn vẫn đang kỳ vọng và trông chờ VN có thể duy trì được các ưu đãi hấp dẫn sau khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để họ tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường sản xuất trong chuỗi cung ứng.

“Nỗ lực” – Giải pháp phát triển tiềm năng ngành bán dẫn Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã gia nhập và đang ngày càng được công nhận trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với vị trí chiến lược, lực lượng lao động có kỹ năng cao và môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam đã và đang thu hút các đối tác quốc tế lớn, đầu tư và thúc đẩy sự phát triển sản xuất và thiết kế bán dẫn trong lãnh thổ của mình.

semiconductor industry

Luôn hướng tới sự phát triển và đổi mới, Việt Nam đặt hy vọng có thể trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu bán dẫn. Vậy nên, những hành động nào cần được thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, tận dụng được toàn bộ tiềm năng?

  • Nuôi dưỡng tài năng và nâng cao chất lượng nhân sự ngành bán dẫn

Một lực lượng lao động có kỹ năng cao là “xương sống”, động lực của ngành công nghiệp bán dẫn thành công. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thiếu hụt nhân sự bán dẫn chất lượng cao luôn là một bài toán “đau đầu” không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với thị trường toàn cầu.

Nhận thức được tình hình này, Việt Nam đang tập trung vào phát triển tài năng thông qua việc đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo, trang bị những người cá nhân với những kỹ năng cần thiết. Trong đó, hợp tác giữa các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn cung liên tục, đào tạo ra những kỹ sư chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gần đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi và Tập đoàn Cadence, cùng với sự hỗ trợ của Đại học Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng (DUT) và Đại học Công nghệ Thông tin (UIT) thuộc ĐHQG TP.HCM, đã thông báo việc khai giảng khóa học chuyên sâu “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản” về thiết kế IC.

Khóa học được tổ chức với hi vọng nâng cao chất lượng lực lượng lao động, mục tiêu đào tạo 50,000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 và đưa các khái niệm thiết kế vi mạch vào ứng dụng thực tế.

Tìm hiểu thêm thông tin về khóa học:

https://www.facebook.com/trungtamdaotaothietkevimachseh/

  • Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong thu hút đầu tư

Nhận thức được tiềm năng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ Việt Nam đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ. Các biện pháp này bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng bán dẫn, và quan trọng nhất là các chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

semiconductor industry

Việt Nam đã liên tục cải thiện các khung pháp luật, tạo điều kiện cho các thủ tục đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, xây dựng một môi trường phát triển thuận lợi cho các công ty bán dẫn. Từ đó, Chính phủ góp phần đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trên quy mô toàn cầu.

Các lợi thế tài nguyên hiện nay đang tạo bàn đạp cho Việt Nam đón cơ hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất bán dẫn. Tuy nhiên, ta cũng cần xem xét nghiên cứu kỹ chiến lược, chính sách khai thác tài nguyên đất hiếm, cũng như áp dụng các chính sách thu hút đầu tư phù hợp.

  • Hướng đến chinh phục khả năng làm chủ chuỗi cung ứng chip thay vì chỉ thiết kế vi mạch

semiconductor industry

Theo như đề xuất của các chuyên gia, thiết kế (designing), đóng gói (packaging) và kiểm thử (testing) là những lĩnh vực chính mà Việt Nam nên tập trung vào trong vài năm tới, đồng thời đặt việc từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi làm mục tiêu lâu dài. Tuy xác định tập trung chính vào giai đoạn thiết kế chip (chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chip), với sự gia nhập của các Tập đoàn trong nước như như Viettel, FPT, Vingroup,…, nhưng với tầm nhìn về ngành công nghiệp tỷ đô trong tương lai, làm chủ chuỗi cung ứng chip vẫn là mục tiêu bền vững giúp Việt Nam khẳng định vị thế và ghi tên lên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

>> Xem thêm các bài viết về ngành bán dẫn