Châu Âu đang tăng cường đẩy mạnh năng lực sản xuất bán dẫn của mình, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và bảo vệ chuỗi cung ứng của mình trước kế hoạch hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc.
Nhu cầu chip bán dẫn ngành ô tô tăng cao
Chip bán dẫn ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên nhiều dòng xe, mỗi dòng xe có thể tích hợp nhiều loại module chứa chip, từ hệ thống điều khiển ECU đến hệ thống hỗ trợ người lái. Trung bình, một chiếc xe ô tô có hàng trăm bộ phận bán dẫn với khoảng 1.400 loại chip khác nhau, thậm chí, với sự phát triển của xe điện, xe hybrid với nhiều tính năng công nghệ cao, con số có thể lên đến 3000 con chip.
Trong bối cảnh nhu cầu xe điện tăng cao, hiệp hội ô tô của Đức (VDA) cho biết nhu cầu chip bán dẫn ngành ô tô sẽ tăng từ khoảng 8% (năm 2021) đến 14% vào năm 2030, với quy mô thị trường dự kiến tăng gấp 3 lần, tăng đến 150 tỷ USD từ con số 50 tỷ USD (năm 2021).
Tổ chức này cũng chia sẻ mối quan ngại về khả năng “tự cung tự cấp” chip bán dẫn ngành ô tô sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn này. Nếu không tự phát triển, đầu tư vào xây dựng các nhà máy bán dẫn trong khu vực, khối liên minh Châu Âu sẽ ngày một phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung nước ngoài. Để cải thiện năng lực cung ứng chất bán dẫn, Đạo luật Chip khối EU với mức đầu tư lên đến 43 tỷ euro được đề ra để nhằm mục tiêu tăng gấp đôi thị phần chất bán dẫn từ 10% đến 20% trong năm 2030.
Châu Âu đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chip bán dẫn ngành ô tô
Nhu cầu chip bán dẫn tăng cao trong bối cảnh chuỗi cung ứng chất bán dẫn ngành ô tô phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế. Dự đoán về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong ngành bán dẫn khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế xuất khẩu gallium và germanium đang khiến các nhà sản xuất và chính phủ châu Âu lo ngại. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 80% nguồn cung cấp gallium, một thành phần chính của chất bán dẫn, đặc biệt là trong sản xuất linh kiện ô tô và xe điện.
Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis chia sẻ việc hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn ngành ô tô không có nghĩa là các thị trường phương Tây rút khỏi Trung Quốc “Chúng tôi không gây chiến với bất kỳ nhà cung cấp Trung Quốc nào. Trong trường hợp này, Liên minh châu Âu phải hợp tác với chính quyền Trung Quốc để tìm ra giải pháp”.
Trong một cuộc phỏng vấn, chủ tịch Renault Jean-Dominique Senard bày tỏ mối quan ngại khi Châu Âu đang phụ thuộc quá mức vào nguồn cung của Trung Quốc, do áp lực tự phát triển chuỗi cung ứng tốn kém.
Cùng mối lo ngại, EU đã đề xuất Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh với mục đích tìm cách hỗ trợ các ngành công nghiệp Châu Âu khỏi sự gián đoạn nguồn cung. Mặc dù tương lai “tự cung-tự cấp” vẫn còn khá xa vời, nhưng khối Liên minh đang đặt mục tiêu gia tăng tầm ảnh hưởng trong ngành bán dẫn, từng bước phát triển trong các hiệp định thương mại, thu hút đầu tư vào Châu Âu.
Đức “mở đường” cho Châu Âu gia tăng sức mạnh trong chuỗi cung ứng bán dẫn
Theo định hướng chung của khối EU, Đức đang là một trung tâm bán dẫn với vốn đầu tư hàng tỷ USD của Intel và Infineon, những “ông lớn” bán dẫn lớn nhất châu Âu muốn mở rộng năng lực sản xuất. Trong thập kỷ tới đất nước này được kỳ vọng sẽ phát triển không chỉ ở một công đoạn sản xuất, mà bao trùm toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng bán dẫn, gồm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đóng gói.
Bên cạnh Đức, Ba Lan cũng đang là điểm đến của vốn đầu tư 4.3 tỷ euro của công ty Mỹ cho cơ sở kiểm thử, lắp ráp và sản xuất chất bán dẫn
Mặc dù tương lai phát triển của Châu Âu trong chip bán dẫn ngành ô tô nói riêng và các ứng dụng vi mạch điện tử nói chung đầy hứa hẹn, tuy nhiên, việc này tốn khá nhiều thời gian. Trong tương lai gần, Châu Âu sẽ vẫn phải phụ thuộc cung ứng từ các quốc gia khác và tìm cách để dần “tự lực” trong cung ứng chất bán dẫn.
>> Đọc thêm Tin tức bán dẫn TẠI ĐÂY